null Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 1 năm 2020

Trang chủ Đối thoại

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh kỳ 1 năm 2020

Chương trình chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thị xã Hồng Ngự, phát trên sóng FM tầng số 96.5MHz. Chương trình được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thị xã, được phát theo chu kỳ 02 tháng 01 lần. Kính mời quý thính giả đón theo dõi và tham gia giao lưu với các diễn giả trong chương trình của chúng tôi qua số điện thoại của chương trình là 0277 3563 407.

Trực tiếp từ 8 giờ đến 9 giờ, ngày 28 tháng 12 năm 2019Rất vui được gặp lại quý thính giả trong Chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trực tiếp trên sóng phát thanh thị xã Hồng Ngự phát kỳ thứ 1 năm 2020 và chương trình phát sóng kỳ này có chủ đề “Phòng chống dịch bệnh Corona”.

Tham gia chương trình Chính quyền đối thoại cùng nhân dân trên sóng phát thanh Thị xã, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 03 vị diễn giả:

- Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế.

- Ông Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng GD&ĐT.

- Ông Trang Văn Hận – Phó Trưởng phòng VH&TT, Kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT.

Chủ đề “Phòng chống dịch bệnh Corona”

CÂU HỎI 1:

Dịch bệnh cúm Corona là gì? Bất đầu xuất phát từ đâu, phạm vi bị ảnh hưởng của dịch bệnh, số người bị  nhiễm, số người chết đến thời điểm này tại Việt Nam là bao nhiêu trường hợp?Trên địa bàn tihr Đồng Tháp cũng như thị xã Hồng Ngự có ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm không?

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Là bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới ở Trung Quốc, loại Coronavirus mới được tìm thấy ở Vũ Hán-Trung Quốc là một loài mới và chưa bao giờ được tìm thấy trước đây. WHO đã đặt tên cho chủng virus mới này cái tên là 2019-nCov.

Tại Việt Nam ghi nhận trường hợp nữ lễ tân tại Nha Trang nhiễm coronavirus mới phát hiện đầu tiên tại Việt Nam khởi phát bệnh ngày 18/01 với các triệu chứng sốt, ho và được cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Đến 31/01 kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của người bệnh cho thấy kết quả dương tính với Corona. Ngay sau khi phát hiện ra trường hợp lây nhiễm bệnh đầu tiên tại đây, Bộ Y tế đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm viêm phổi cấp do virus Corona gây ra tại Khánh Hòa.

Chiều 01/02, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp coronavirus mới gây ra. Thời gian xảy ra dịch tính từ thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh vào ngày 23/01/2020. Cũng theo quyết định này thì mức độ và tính chất nguy hiểm của dịch là bệnh truyền nhiễm nhóm A, ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.

Hiện nay tính đến 11h, ngày 07/02/2020 Việt Nam: 12 người mắc nCoV. 

Trong đó: 02 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện);

- 05 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện);

- 01 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện);

- 01 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc.

- 01 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.

- 02 trường hợp: 1 người là mẹ, 1 người là em ruột của bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.

 Trên địa bàn tình Đồng tháp và Thị xã Hồng Ngự trong tình trạng cảnh báo dịch ở cấp độ I.

CÂU HỎI 2:

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm corona như hiện nay, thị xã Hồng Ngự có những chủ trương, biện pháp gì để phòng, chống dịch?

Ông Trang Văn Hận – Phó Trưởng phòng VH&TT, Kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT giải đáp thắc mắc như sau:

Thời gian qua tình hình của dịch bệnh cúm corona diễn biến rất phức tạp khó kiểm soát, số ca mắc bệnh và tử vong tăng liên tục theo từng ngày. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, Thị ủy-UBND Thị xã cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị với nhiều biện pháp phòng ngừa, xử lý khi nghi ngờ, phát hiện các trường hợp nghi nhiễm nCoV; đồng thời, thành lập BCĐ phòng, chống dịch của Thị xã do Chủ tịch UBND Thị xã làm Trưởng ban cùng các ngành có liên quan như Quản lý Thị trường, Công an, Biên phòng, Y tế…để chỉ đạo tập trung; thông tin cung cấp số điện thoại đường dây nóng tại địa phương; có kế hoạch bố trí nơi tiếp nhận, cách ly người nghi nhiễm và phối hợp các cơ quan thẩm quyền khác tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lợi dụng tình hình để trục lợi, gây rối, vi phạm pháp luật, nhằm chủ động ổn định tình hình sức khỏe, ANTT và sinh hoạt của người dân.

Xin diễn giả cho biết thêm. hiện nay trên địa bàn thị xã Hồng Ngự có một số hoạt động lễ hội theo định kỳ sẽ được tổ chức, để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus corona gây ra. Vậy địa phương có những chủ trương hay biện pháp gì để hạn chế tình trạng người dân tập trung đông người?

Ông Trang Văn Hận – Phó Trưởng phòng VH&TT, Kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT giải đáp thắc mắc như sau:

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, Thị ủy-UBND Thị xã cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong cả hệ thống chính trị với nhiều biện pháp phòng ngừa, xử lý khi nghi ngờ, phát hiện các trường hợp nghi nhiễm nCoV; đồng thời, ngày 05/02/2020, UBND Thị xã cũng đã ban hành QĐ số 09 về việc thành lập BCĐ phòng, chống dịch của Thị xã do Chủ tịch UBND Thị xã làm Trưởng ban, P.CT UBND (Phụ trách khối VHXH) làm Phó ban trực cùng các ngành có liên quan như Quản lý Thị trường, Công an, Quân sự, Biên phòng, Y tế, giáo dục, TBXH, MTTQ và các tổ chức đoàn thể…để chỉ đạo tập trung và toàn diện; thông tin cung cấp số điện thoại đường dây nóng tại địa phương; có kế hoạch bố trí nơi tiếp nhận, cách ly người nghi nhiễm và phối hợp các cơ quan thẩm quyền khác tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lợi dụng tình hình để trục lợi, gây rối, vi phạm pháp luật, nhằm chủ động ổn định tình hình sức khỏe, ANTT và sinh hoạt của người dân.

CÂU HỎI 3:

Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh cúm virus corona, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, ngành Giáo dục – Đào tạo Thị xã có những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng GD&ĐT giải đáp thắc mắc như sau:

Do tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút Corona biến chủng gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tiếp xúc gần, hoặc nước bọt. Đến nay đã ghi nhận có trường hợp xâm nhập vào Việt Nam và một số quốc gia khác

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Đồng Tháp nói chung, thị xã Hồng Ngự nói riêng chưa phát hiện dịch bệnh do Virus Corona (Chủng mới) gây ra. Tuy nhiên do tính chất phức tạp về sự diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên thế giới và ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một số trường hợp nhiễm Virus corona chủng mới (10 trường hợp). Để ngăn ngừa và phòng tránh dịch bệnh an toàn cho học sinh thị Chủ tịch UBND Tỉnh  có  Công văn số 27/UBND-THVX ngày 03 tháng 02 năm 2020, về việc cho học sinh nghỉ học và Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp yêu cầu các cơ sở giáo dục tạm thời cho học sinh nghỉ học từ ngày 03 đến hết ngày 08 tháng 02 năm 2020. Tiếp cho học sinh thêm 1 tuần tức là nghỉ đến hết ngày 16/2/2020 nếu xét thấy an toàn thì sẽ đi học trở lại. Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học, nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch nCoV theo phân công của Hiệu trưởng và chịu sự điều động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương (nếu có). Tất cả các cơ sở giáo dục (kể cả công lập và tư thục) phải tổ chức tổng vệ sinh phòng học, phòng chức năng, khu vực vệ sinh, các đồ dùng đồ chơi của trẻ và thiết bị dạy học … theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

CÂU HỎI 4:

Xin Bác sĩ cho biết những biểu hiện nào nghi ngờ người dân bị nhiểm cúm Corona? Bệnh lây truyền qua những đường nào?

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Các dấu hiệu của bệnh như: Sốt cao; Ho hoặc đau họng; chảy nước mũi; khó thở, …

Nhiễm nCoV chủ yếu lây truyền qua đường tiếp xúc: niêm mạc mũi mắt miệng từ giọt bắn là dịch tiết của người nhiểm bệnh,

Lây truyền qua đường hô hấp (không khí) khi người bệnh có suy hô hấp.

Vậy để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm corona ngành chức năng những khuyến cáo người dân thực hiện những biện pháp gì?

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

1. Nếu bạn có triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở:   Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên, Chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

2. Một số lưu ý để phòng, chống lây nhiễm nCoV

         + Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt hay bị ho

         + Rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn

         +Tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng

3. Sử dụng khẩu trang đúng cách:

         +Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, cuộn tròn khăn giấy và vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức.

         + Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi – và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.

         + Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.

4. Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn nghi ngờ bị bệnh:

       +Nếu cảm thấy có dấu hiệu sốt hắt hơi sổ mũi sau khi đi du lịch từ vùng có dịch, hãy thông báo ngay cho nhân viên y tế để được kiểm tra  y tế càng sớm càng tốt.

5. Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm nCoV

      + Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm

      + Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng

      + Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.

CÂU HỎI 5:

Thời gian qua có một số trường hợp người dân đăng tải trên mạng xã hội các thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh corona, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Vậy những trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào? trên địa bàn thị xã Hồng Ngự trường hợp nào xảy ra không?

Ông Trang Văn Hận – Phó Trưởng phòng VH&TT, Kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT giải đáp thắc mắc như sau:

Gần đây cũng nổi lên nhiều vụ người nổi tiếng chia sẻ, phát tán thông tin thiếu căn cứ, sai sự thật về dịch bệnh corona. Chỉ nghe lời đồn, thậm chí tự bịa đặt thông tin để phát tán, gieo rắc hoang mang dư luận. Đã có bao nhiêu người nhẹ dạ, cả tin tiếp tay cho cái sai để nỗi hoang mang lan xa? Số ít người được xử lý nhưng vẫn còn số đông những người tiếp tục phát tán thông tin vì những mục đích riêng. Xã hội tiếp tục bị "tấn công" bởi tin giả, tin sai nhiễu loạn giữa những ngày nóng bỏng dịch bệnh.

Phát ngôn sai trái, thông tin chưa chính xác, tiêu cực lan truyền có thể gây tác động xấu đến người khác, đến xã hội, nhất là thời điểm nóng như hiện nay đang được cả thế giới quan tâm.

Căn cứ Luật an ninh mạng, điều 8, điểm d cấm hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác". Và Nghị định Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 3-2-2020, có hiệu lực từ 15-4-2020. Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 đến 20 triệu đồng.

Việc ban hành thời điểm này càng đúng lúc để mọi người dân từ đây nghiêm túc, có ý thức hơn mỗi lần chạm bàn phím chia sẻ thông tin. Tôi nghĩ với mức xử phạt cao đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội hi vọng là liều thuốc "dã tật" ngăn ngừa loại thông tin này. Đề nghị mọi người sử dụng mạng theo cách lành mạnh, nghiêm túc xem, thông tin trên mạng như món ăn hằng ngày, ai cũng mong "ăn sạch", ai gây ô nhiễm không gian mạng phải bị chế tài của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này tôi xin thông tin thêm đến quý thính giả được biết vừa qua Công an tỉnh Đồng Tháp xử lý 01 trường hợp ở huyện Tháp Mười đăng thông tin trên mạng cá nhân không đúng sự thật về dịch bệnh cúm corona, gây hoang mang dư luận trong nhân dân. Qua làm việc đối tượng thừa nhận trang Fanpage của mình và nội dung đăng tải không đúng sự thật và được yêu cầu xóa bỏ. Qua đây chúng tôi cũng khuyến cáo đến người dân không đăng tải, chia sẻ những thông tin không đúng sự thật. Mọi hành vi vi phạm dưới bất kỳ hành thức nào cũng đều bị xử lý nghiêm khắc.

CÂU HỎI 6:

Trong thời gian cho HS nghỉ học, ngành giáo dục có đề ra những biện pháp gì để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona tại các cơ sở mầm non hoặc các trường học để khi các em học sinh trở lại học được đảm bảo an toàn?

Ông Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng GD&ĐT giải đáp thắc mắc như sau:

Trong trong thời gian học sinh tạm nghỉ học, nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch nCoV theo phân công của Hiệu trưởng cũng như của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương. Tất cả các cơ sở giáo dục (kể cả công lập và tư thục) phải tổ chức tổng vệ sinh phòng học, phòng chức năng, khu vực vệ sinh, các đồ dùng đồ chơi của trẻ và thiết bị dạy học bằng cloramimb hoặc rửa bằng xà phòng diệt khuẩn. Ngoài ra Phòng  GDĐT phối hợp với Trung tâm ngành y tế tổ chức phun thuốc diệt khuẩn tất cả các điểm trường, yêu cầu không tổ chức dạy thêm, học thêm và giữ trẻ. Đồng thời hướng dẫn các em HS thực hiện các biện pháp như rửa tay, vệ sinh môi trường, cách đeo khẩu trang...để phòng ngừa bệnh. Song song đó, nhà trường, GVCN luôn giữ liên lạc với học sinh, gia đình HS để nắm bắt kịp thời về tình hình sức khỏe của các em...

Các cơ sở giáo dục phải thực hiện thường xuyên Công văn khẩn số 92/SGDĐT-CTTT ngày 30 tháng 01 năm 2020 của Sở GDĐT về việc phòng chống dịch nCoV và các văn bản chỉ đạo của chính quyền, ngành y tế có liên quan. Phân công người làm đầu mối để cập nhật, theo dõi, liên hệ thường xuyên với các cơ quan quản lý trực tiếp (Sở GDĐT; UBND thị xã), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương và các cơ quan Y tế cập nhật đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, thông tin chính thống về diễn biến và phòng chống dịch nCoV để thông báo, triển khai đến cơ sở giáo dục, học sinh và cha mẹ học sinh biết, thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Xin ông cho biết thêm Hiện nay trên mạng xã hội nói riêng, Internet nói chun có nhiều thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, để ngăn ngừa những thông tin sai lệch, ngành giáo dục có biện pháp nào để định hướng tốt công tác truyền thông?

Ông Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng GD&ĐT giải đáp thắc mắc như sau:

Trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, mỗi người cần bình tĩnh, tỉnh táo, chủ động ứng phó. Dịch bệnh trong tầm kiểm soát, học sinh có thể trở lại trường.

Phòng giáo dục cũng lưu ý ban lãnh đạo các nhà trường thường xuyên nhắc nhở giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường và học sinh thận trọng khi thông tin về dịch nCoV, không chia sẻ thông tin có liên quan trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng của cơ quan có thẩm quyền, gây hoang mang trong nhân dân và vi phạm pháp luật. Chỉ thông tin những nội dung chính thống từ cơ quan chức năng.

CÂU HỎI 7:

Xin Bác sĩ cho biết. Hiện nay có thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona không thưa ông?

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Thuốc điều trị đặc hiêu và vaccin phòng bệnh đối với cúm corona hiện nay chưa có, chủ yếu điều trị triệu chứng và các biện pháp phòng tránh đúng theo khuyên cáo của bộ y tế.

Xin Bác sĩ cho biết thêm: Vậy khi người dân bị nhiễm cúm corona thì người bệnh đến đâu điều trị?

Bác sĩ Phạm Thanh Tuấn – Phó Trưởng phòng Y tế giải đáp thắc mắc như sau:

Được cách ly và điều trị tại  BVĐK khu vực Hồng Ngự.Tùy theo diễn biến của bệnh sẽ tiếp tục được chuyển tuyến về BVĐK tỉnh Đồng Tháp.

CÂU HỎI 8:

Việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá các dụng cụ, thiết bị phòng chống dịch như khẩu trang… trong thời điểm hiện nay sẽ bị xử phạt như thế nào; khi phát hiện người dân báo với cơ quan nào để xử lý?

Ông Trang Văn Hận – Phó Trưởng phòng VH&TT, Kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT giải đáp thắc mắc như sau:

Căn cứ Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Căn cứ Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội đầu cơ:

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Liên quan đến vấn đề đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán khẩu trang y tế, vừa qua trong cuộc họp trực tuyến sáng ngày 01/2 giửa Chính phủ với các địa phương về công tác phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu rút ngay giấy phép nếu hiệu thuốc tăng giá khẩu trang và yêu cầu ngành Y tế xử lý nghiêm với các cửa hiệu, tiệm thuốc đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán khẩu trang y tế.

CÂU HỎI 9:

Để đảm bảo kịp chương trình học ngành GD – ĐT có kế hoạch dạy bù trong thời gian nghỉ học do virus corona không?

Ông Nguyễn Quốc Sử – Phó Trưởng phòng GD&ĐT giải đáp thắc mắc như sau:

Ngành GD&ĐT chỉ đạo trường học chủ động xây dựng kế hoạch dạy bù sau thời gian học sinh tạm nghỉ. Kế hoạch dạy bù căn cứ khung thời gian năm học

Nhà trường có thể bố trí học bù vào buổi thứ hai (sau buổi học chính khóa), hoặc thứ bảy, chủ nhật.

Các trường cũng có thể sử dụng tuần đệm trong thời gian năm học để điều chỉnh lịch dạy học, kiểm tra đánh giá.

Trường hợp đặc biệt, khi học sinh tiếp tục nghỉ nếu dịch lan rộng, không đủ quỹ học bù thì thông tin khi có văn bản chỉ đạo của SGDĐT.

Các trường có kế hoạch đón học sinh quay lại trường với điều kiện tốt nhất, đảm bảo nguyên tắc đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào lớp, sau giờ giải lao, giờ ăn, phòng học sạch sẽ và được khử khuẩn định kỳ.

Việc học sinh tạm nghỉ học 2 tuần cũng có ưu điểm là các nhà trường có thời gian để áp dụng các biện pháp phòng dịch, khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp, thiết bị dạy học để ngăn ngừa dịch bệnh nói chung, virus corona nói riêng.

Khuyến cáo quý phụ huynh có biện pháp quản lý học sinh, viên trong thời gian tạm nghỉ học, đề nghị cha mẹ học sinh thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, phối hợp quản lý và chăm sóc sức khỏe con em mình.

Hy vọng qua phần giao lưu với các diễn giả, phần nào cung cấp được những thông tin cần thiết về các biện pháp phòng chống dịch bệnh Corona.

-- HẾT --

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362