null Giữ lửa cho làng nghề sản xuất lợp cua

Chi tiết bài viết Tin tức

Giữ lửa cho làng nghề sản xuất lợp cua

Lũ đầu nguồn đã đỗ về, các cánh đồng cũng đã ngập lũ, cùng với việc chuẩn bị các ngư cụ đánh bắt thủy sản khác, hơn 01 tháng qua, làng nghề đan lợp cua ở ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, TP. Hồng Ngự cũng đã nhộn nhịp. Để phục vụ tốt cho thị trường tiêu thụ, các hộ làm lợp cua đang phải tất bật với công việc sản xuất lợp.

Làm đêm,…..làm ngày,…...đây là hình ảnh ghi nhận được tại nhà các hộ dân sản xuất lợp cua, thuộc ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, TP. Hồng Ngự thời điểm này. Theo chị Phạm Ngọc Thúy, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề sản xuất lợp cua cho biết, mùa lũ năm nay, lượng khách hàng đến thu mua lợp khá đông. Gia đình 03 thành viên của chị đã phải tích cực tham gia thực hiện làm ngày lẫn đêm. Tính từ đầu năm đến nay, gia đình chị đã làm và xuất bán ra thị trường được gần 2.000 cái. Tuy nhiên, vẫn không đủ cung ứng cho thị trường.

Chị PHẠM NGỌC THÚY – Ấp Bình Thành B – xã Bình Thạnh – TP. Hồng Ngự – Đồng Tháp: “Năm nay bán được, bán nhiều hơn mọi năm, bán có giá hơn. Cái 28.000 đồng. Năm nay mua nhiều lắm, mua không đủ lợp bán. Tôi mần từ hôm tết tới giờ, mần để sẳn đó mà không đủ lợp giao. Phấn khởi, tại gì năm nay không có bị dịch bệnh, bà con ai cũng làm ăn được”.

Hiện đang bước vào cao điểm, nên ước tính trung bình mỗi tuần, các hộ làm nghề đan lợp nơi đây có thể xuất bán từ 200 – 300 cái lợp, tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó. Thị trường tiêu thụ mạnh, nhu cầu sản xuất tăng cao, đã góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Điển hình như chị Đoàn Thị Rết, hơn 03 tháng qua, chị luôn có thu nhập điều đặng khoảng 4 triệu rưởi đến 5 triệu đồng/tháng từ việc làm thuê gia công lợp cua. 

Chị ĐOÀN THỊ RẾT - Ấp Bình Thành B – xã Bình Thạnh – TP. Hồng Ngự - Đồng Tháp: “Dệt cái mình của công đoạn, ngày em dệt 60 cái, cái 2.500 đồng, năm nay làm nhiều hơn mấy năm trước. Cũng như một ngày năm rồi mình dệt lai rai 50 – 60 cái, năm nay đun, em dệt ban đêm nữa nên được 70 chục, 80 chục cái. Được như dày thì cuộc sống thanh thản hơn, có tiền cá mắm, tiền này tiền kia hàng ngày nó khỏe”.

Được biết, làng nghề đan lợp cua được hình thành cách nay hơn 30 năm, thời điểm đầu có khoảng 150 hộ tham gia thực hiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tình hình nước lũ diễn biến bất thường, số hộ sản xuất lợp cua đã giảm nhiều so với trước, hiện chỉ còn khoảng 17 hộ. Để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề, nhất là tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Chính quyền, cùng các đoàn thể địa phương đã và đang tích cực triển khai các biện pháp để hỗ trợ.

Ông NGUYỄN PHI LONG – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh – TP. Hồng Ngự phát biểu:“Sản xuất lợp cua tuy không phải là nguồn thu nhập chính của các hộ dân, nhưng giải quyết rất là tốt việc làm trong thời gian nhàn rỗi của bà con, tăng thêm thu nhập. Dó đó, địa phương cũng sẽ quyết tâm cùng với các hộ tâm quyết để giữ làng nghề truyền thống này. Nếu giữ được làng nghề truyền thống này, chủ yếu là nguyên liệu, cũng như là vốn. Địa phương có kiến nghị đến các ngành chức năng nên có quy hoạch những khu đất công, những khu đất nhà nước đang quản lý hiện nay chúng ta bỏ trống thì nên tận dụng cho trồng tre, để cho các hộ này có nguyên liệu sản xuất, bên cạnh đó hỗ trợ các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay, lãi xuất thấp ưu đãi, để họ phát triển mô hình này”.

Có thể thấy, trong điều kiện khó khăn của dịch Covid – 19 và tình hình nước lũ không thuận lợi, việc giữ lửa làng nghề sản xuất lợp cua tiếp tục phát triển, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân mà quan trọng hơn là lưu giữ được văn hóa, truyền thống trong cộng đồng.

Hoàng Phương

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362