null Nhiều thuận lợi từ mô hình nuôi lươn khép kín

Chi tiết bài viết Tin tức

Nhiều thuận lợi từ mô hình nuôi lươn khép kín

Nhằm chủ động trong phát triển sản xuất chăn nuôi và đặc biệt là giải quyết được bài toán khó trong khâu tiêu thụ, ông Lâm Văn Dai – ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, TP. Hồng Ngự đã triển khai thực hiện mô hình nuôi lươn khép kín, từ khâu sản xuất lươn giống, nuôi lươn thịt và cho ra sản phẩm khô lươn đặc trưng của địa phương. Cách làm này đã tạo ra lợi thế nhất định cho ngành hàng nuôi lươn tại địa phương.

Đây là 10 bồn coposite, đang chứa đựng, nuôi dưỡng bằng hệ thống tuần hoàn khoảng 23.000 con lươn giống, được gần 3 tháng tuổi, đang chuẩn bị xuất bán của ông Dai. Đây là số lươn do chính ông thực hiện việc cho lươn bố mẹ sinh sản, sau đó thuần dưỡng và chăm sóc. Theo ông cho biết, so với nuôi lươn thịt thì nuôi lươn tuần hoàn hiệu quả hơn nhiều, do thời gian nuôi ngắn, ít tốn chi phí, khâu chăm sóc rất dễ dàng.

Ông LÂM VĂN DAI – Hội viên nông dân ấp Tân Hòa – xã Tân Hội – TP. Hồng Ngự: Nuôi lươn tuần hoàn này nó rất thuận lợi và dễ dàng cho người nuôi, bị vì tuần hoàn chạy tối ngày sáng đêm, không cần thay nước, chỉ có cho ăn thôi, mà nuôi con lươn mau lớn nữa, bị không có đọng, lươn không bị sóc, bệnh thì lâu mới có lần, mà mình không để cho bệnh. Bị vì, lươn 1 tháng có 2 chu kỳ, nữa tháng mình ngừa thuốc nó lần, cuối tháng mình ngừa lần, là con lươn nó qua hết”.

Còn đây là các bể xi măng đang nuôi lươn thịt, từ số lươn giống không xuất bán được. Thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc sẽ kéo dài ra khoảng 12 tháng, sau khi lươn đạt kích cỡ, trọng lượng sẽ tiến hành xuất bán.

Ông LÂM VĂN DAI - Hội viên nông dân ấp Tân Hòa – xã Tân Hội – TP. Hồng Ngự: “Cái quy trình nuôi khép kính này, nó rất dễ dàng cho tui nuôi, bị vì tui bắt lươn giống cho đẻ, đẻ ra rồi lên tuần hoàn, lên tới 3 tháng là bán được lươn con, bán lươn con không trúng đơn thì để lại nuôi thịt, nuôi thịt tới 10 tháng hoặc 12 tháng tui cũng xuất ra bán luôn”.

Cũng theo ông Dai chia sẻ, số lươn thịt này sẽ được ông tuyển chọn để cho sinh sản, còn nếu như giá lươn xuống thấp, ông thực hiện làm khô lươn. Hiện tại, ông cũng đang mở rộng thêm 2.000m2 vuông đất ruộng, để nuôi lươn sinh sản. Với quy trình khép kín và hiệu quả, cách làm của ông Dai đã nhận được sự đồng thuận cao từ địa phương. 

Ông DIỆP HỒNG HIẾU – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội – TP. Hồng Ngự - Đồng Tháp: “Trong những năm qua, UBND TP. Hồng Ngự cũng có chỉ đạo cho Phòng Kinh tế hỗ trợ rất nhiều về con giống, về khoa học kỹ thuật, để chú phát triển mô hình, bênh cạnh đó Hội nông dân xã cũng có đề xuất, kiến nghị làm tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội nông dân Thành phố cho chú được vay quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển. Năm 2023 Hội nông dân xã sẽ tiếp tục kiến nghị đề xuất, với cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội nông dân Thành phố để cho chú tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân của Thành phố để chú duy trì, mở rộng quy mô mô hình”.

Có thể thấy, mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo ra lợi thế trong sản xuất chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế hộ, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Hoàng Phương

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362