null TP. Hồng Ngự phát triển sản xuất Lươn giống nhân tạo

Chi tiết bài viết Tin tức

TP. Hồng Ngự phát triển sản xuất Lươn giống nhân tạo

Nếu như trước đây, nuôi Lươn thương phẩm, việc thu mua con giống chủ yếu ngoài tự nhiên hoặc từ các địa phương khác. Do không thể chủ động và kiểm soát được con giống nên đã dẫn đến nhiều rủi ro trong chăn nuôi. Tuy nhiên, qua thời gian nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi thì hiện nay khó khăn trên cũng đã được tháo gỡ, khi mô hình sản xuất Lươn giống nhân tạo được nông dân áp dụng thành công. Không chỉ tạo ra nguồn Lươn giống chất lượng, cung ứng tốt cho thị trường trong và ngoài TP. Hồng Ngự, mà còn nâng cao thu nhập cho các hộ nuôi. Mời quý khán giả theo dõi ghi nhận của phóng viên chương trình.

Với diện tích đất trống trước nhà khoảng 800m2, ông Huỳnh Văn Long, xã Bình Thạnh, TP. Hồng Ngự đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất Lươn giống nhân tạo. Ông Long cho biết, nhờ được đưa đi tham quan, học tập kinh nghiệm, nhất là được sự quan tâm hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, cách chăn nuôi, chăm sóc,…từ ngành chuyên môn nên ông đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm trang thiết bị thực hiện, và hiệu quả mang lại là rất khả quan.

Ông HUỲNH VĂN LONG – Xã Bình Thạnh – TP. Hồng Ngự - Đồng Tháp: “Trong quá trình mình cho nó sinh sản thì khi dưỡng lớn lên, mình để mình nuôi thì thấy hiệu quả nó đỡ hơn lươn đồng, ít hao hơn. Lươn sinh sản thì thu nhập nó cao hơn lươn thương phẩm, tại lươn thương phẩm nuôi tới 12 đến 14 tháng, còn đối với lươn sinh sản khi nó đẻ ra mình dưỡng khoảng 2 tháng là có thu nhập”.

Sau khi ấp trứng, Lươn con được chăm sóc khoảng 2 - 3 tháng thì sẽ đạt kích cỡ 1.000con/1 kg và có thể xuất bán. Hiện Lươn giống nhân tạo có giá khoảng 5.000đồng – 6.000đồng/1con. Điểm mạnh của Lươn giống nhân tạo là dễ thích nghi với môi trường tự nhiên nên ít bị sốc khi thay đổi môi trường, nhiệt độ, giảm hao hụt khi nuôi.

Ông LÂM VĂN DAI – Xã Tân Hội – TP. Hồng Ngự - Đồng Tháp: Con Lươn nhân tạo mình có lợi thế là nó gần nhà, hao hụt không có, còn Lươn ngoài đồng đem về nuôi nó lâu, rồi đem về nó cũng hao hụt lắm cỡ 50%. Nuôi Lươn giống và nuôi Lươn thịt thì nuôi Lươn giống nó hiệu quả hơn, bị thời gian nó ngắn, ba bốn tháng là được bán rồi, Lươn thương phẩm thì nó hơi lâu, nó cả năm”.

TP. Hồng Ngự hiện có khoảng 15 hộ nuôi Lươn sinh sản, trung bình mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 2 triệu con. Nhằm giúp cho người dân phát triển chăn nuôi, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ các kỹ thuật trong chăn nuôi, Hội Nông dân TP. Hồng Ngự cũng vừa tổ chức giải ngân vốn vay cho các hộ nuôi Lươn, với tổng số tiền là 400 triệu đồng, trích từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân Thành phố. Theo đó, trung bình mỗi hộ được nhận vay từ 10 - 20 triệu đồng/hộ, tùy vào đều kiện chăn nuôi. Sau 12 tháng, Hội Nông dân Thành phố sẽ thu hồi vốn, để tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho các thành viên khác.

Ông NGUYỄN VĂN TRẠNG – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hồng Ngự - Đồng Tháp: “Ngay từ đầu năm Hội cũng đã có kế hoạch đưa một số thành viên trong Hội quán, chuyên về nuôi Lươn sinh sản, đi học hỏi kinh nghiệm thêm, để nhân thêm thành quả cao hơn. Đối với vai trò của Hội nông dân Thành phố chúng tôi cũng tranh thủ với Hội Nông dân Tỉnh, UBND Thành phố để có đề nghị ghi vốn thêm, nhằm nhân rộng mô hình phát triển Lươn sinh sản này, để phát triển kinh tế trong hội viên, đảm bảo cho bà con có cuộc sống ổn định”.

Từ kết quả trên cho thấy, mô hình sản xuất Lươn giống nhân tạo đã và đang đi đúng hướng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần phát triển mạnh nghề nuôi lươn ở TP. Hồng Ngự, thu nhập của các hộ nuôi Lươn từng bước được nâng lên.

Hoàng Phương

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ
Đơn vị chủ quản: Ủy ban Nhân dân thành phố Hồng Ngự
Trụ sở: Khóm An Thạnh A, phường An Lộc, Thành phố Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3563.362